Friday, July 12, 2019


Thứ 4 trong tuan XIVTN

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Khi ấy, Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
2 Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ : đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông ; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông ; 3 ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô ; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế ; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô ; 4 ông Si-môn thuộc nhóm Nhiệt Thành, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người. 5 Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng :
“Anh em đừng đi tới vùng các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của người Sa-ma-ri. 6 Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. 7 Dọc đường hãy rao giảng rằng : Nước Trời đã đến gần.”

Suy Niệm
Hôm nay Chúa Giêsu gọi từng tên và sai 12 tông đồ đi rao giảng Tin Mừng. Ngày nay Chúa cũng gọi đích danh từng người chúng ta và sai chúng ta đi rao giảng. Rao giảng là một trách nhiệm của người môn đệ Chúa Kitô. Thánh Phaolô nói: “khốn thân tôi nếu tôi khong rao giảng Tin Mừng.” (1Cr 9,16) Thế nhưng thực sự chúng ta rao giảng cái gì và rao giảng như thế nào?
Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi cho tín hữu Côrintô nói rằng: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh.” (1Cr 1,22) Như vậy chúng ta không rao giảng cái gì khác ngoài Thập giá Đức Kitô.  Có thể chúng ta rao giảng bằng lời nói, nhưng lời rao giảng bằng chính cuộc đời lại hùng hồn hơn. Thập giá cho thấy cái ác của con người, nhưng cũng cho thấy tình thương của Thiên Chúa đối với con người. Tất cả cuộc đời chúng ta đều quy về đó. Những đau khổ thử thách trong cuộc đời, những bệnh tật, những thất bại, những hiểu lầm, những tủi nhục.... trở thành những phương tiện giúp chúng ta rao giảng về thập giá Chúa Kitô. Không có những đau khổ nào mà lại không móc nối với đau khổ của Chúa Giêsu.
Trong khi gặp những đau khổ, nếu chúng ta biết nhìn lên thập giá Chúa Giêsu chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời, chúng ta sẽ gặp được sức mạnh, và khám phá ra ý nghĩa cho những đau khổ của chúng ta. Khi sống với thập giá Chúa ngang qua cuộc sống, chúng ta trở thành chứng nhân cho thập giá.
Thế nhưng nếu chỉ có thập giá mà không có phục sinh thì những đau khổ của chúng ta chẳng ích lợi gì, và chúng ta sẽ trở thành những người điên khùng, dại dột; khi đó chúng ta chẳng làm chứng gì cho Chúa, lời rao giảng trở nên trống rỗng. Thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng.” (1Cr 15,14) Nhưng nếu chúng ta tin rằng sau cái chết của Chúa Kitô có sự phục sinh của Ngài, thì tất cả có ý nghĩa.
Xin Chúa cho chúng con lấy lời nói và cuộc đời, nhất là những đau khổ trong cuộc đời, để rao giảng về thập giá của Chúa, với niềm xác tín rằng sau đau khổ và cái chết chúng con gặp được sự phục sinh, niềm vui và hạnh phục của người môn đệ Chúa. Amen

No comments:

Post a Comment