Wednesday, March 3, 2021

 

 


ĐỒNG HÀNH CÙNG GIỚI TRẺ

TRONG GIA ĐÌNH

 

   Đan sĩ Simon Hòa

 

Đan viện Thiên Bình

 

 

Dẫn nhập

Vào thời nào cũng có những thách đố cho tuổi trẻ. Tuy nhiên tuổi trẻ ngày nay phải đương đầu với  nhiều thách đố từ chính mình, từ xã hội, từ cuộc sống, từ công ăn việc làm, và học hành. Với những khát vọng mãnh liệt, cộng với những yếu đuối của tuổi trẻ không ít người đã rơi vào bế tắc thất vọng do những áp lực của xã hội, của gia đình và những thất bại trong cuộc đời. Từ đó nhiều bạn trẻ đâm ra ăn chơi nghiện ngập, và không ít trường hợp đã tự tử. Bên cạnh đó có những bạn trẻ vì ảnh hưởng xã hội đã đánh mất những giá trị gia đình, lơ là với đức tin mà họ đã thừa hưởng từ gia đình, nếu không nói là đánh mất đức tin. Đứng trước những tình cảnh như hiện nay, những người lớn, những bậc làm cha mẹ cảm thấy hoang mang lo lắng, từ đó hay quát mắng người trẻ hoặc bỏ rơi. Tuy nhiên càng la mắng ta càng đẩy người trẻ vào tình trạng sống ù lì. Vì vậy điều những người lớn cần làm là giáo dục họ, đồng hành với họ, hiểu họ, thông cảm với họ, chia sẻ với họ và hướng họ theo những giá trị tốt lành mà họ luôn khao khát.

Trong bài viết này chúng tôi cùng tìm hiểu về khao khát của người trẻ; những cám dỗ và thử thách của cuộc đời với những vấp ngã của tuổi trẻ; những lối sống buôn thả do ảnh hưởng xã hội, văn hóa và những chủ nghĩa. Chúng tôi cũng sẽ nói đến những sa sút về đao đức, về lòng hiếu thảo. Chúng tôi cũng sẽ bàn đến những khó khăn, những yếu đuối cần được gia đình nâng đỡ, giúp người trẻ quay trở lại với những giá trị văn hóa tốt đẹp đã được Kito giáo “rửa tội”, họ cần được thông cảm hơn là la mắng, cần được đưa trở lại với đức tin bằng những gương sáng. Chúng tôi sẽ dựa vào những tài liệu có giá trị, những văn kiện, những lời giáo huấn của Giáo Hội, nhất là Kinh Thánh để trình bày, với mục đích giúp các bạn trẻ ý thức hơn về lối sống của mình để có quyết định đúng đắn trước giá trị văn hóa đạo đức và đức tin của mình.

I.                   KHAO KHÁT CỦA TUỔI TRẺ

Con người sống là khao khát và ước mơ. Đó là nét đặc trưng của con người. Không thể sống mà không khao khát. Hết khao khát và hết ước mơ là chết. Chính điều đó đẩy con người sống và hành động để xây dựng cuộc đời của mình và xã hội một ngày một tốt đẹp hơn. Chính năng lực này thúc đẩy con người luôn khao khát: khao khát khám phá, khao khát hiểu biết, khao khát xây dựng gia đình, Giáo hội và xã hội.

            Tuổi trẻ là tuổi khao khát. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Nơi một số người trẻ, chúng ta nhận ra họ có một khát vọng về Thiên Chúa, mặc dù không phải là tất cả những phác hoạ về Thiên Chúa đã được mặc khải. Nơi những người trẻ khác, chúng ta có thể thoáng thấy một mơ ước về tình huynh đệ, một điều không phải là không quan trọng. Nhiều bạn trẻ có một khát vọng thực sự muốn phát triển các tài năng của mình để cống hiến điều gì đó cho đời. Nơi một số bạn trẻ khác, chúng ta lại thấy họ nhạy cảm đặc biệt với nghệ thuật, hay muốn sống hoà điệu với thiên nhiên. Nơi một số khác nữa, có thể đó là mối quan tâm lớn về truyền thông. Nơi nhiều người trong số họ, chúng ta gặp thấy một khát vọng sâu xa muốn sống đời mình cách khác biệt. Đó là những khởi điểm thật sự, những nguồn lực nội tại đang chờ đợi và sẵn sàng đón nhận một lời thúc đẩy, soi sáng và khích lệ.”[1]

Tuổi trẻ luôn mang nơi mình những khát vọng và ước mơ. Tuổi khao khát và ước mơ nhất chính là tuổi trẻ, bởi vì đó là tuổi đầy năng lực và sức sống nhất. Có khát vọng vật chất và có khát vọng tinh thần. Có khát vọng làm giàu về vật chất nhưng cũng có khát vọng làm giàu về trí thức. Có khát khao thỏa mãn dục vọng của mình, nhưng cũng có khát khao những giá trị khác, chẳng hạn:  khao khát tình yêu, khao khát sự hiểu biết, khao khát hòa bình, khao khát tự do, khao khát tương lai. Và đi xa hơn nữa là khát khao sự công chính, sự thánh thiện, khao khát chính Thiên Chúa. Thánh Augustinô là một trong những vị thánh sống khao khát này cách rõ nét nhất. Thánh nhân đã từng khao khát sự hiểu biết, khao khát khẳng định mình. Chính vì thế ngài đã lao mình vào đi tìm chân lý qua những trào lưu triết họ và ngài trở thành một nhà hùng biện. Chẳng những thế ngài còn sa ngã vào trào lưu Manikes, hoặc thả mình trong lối sống ăn chơi xác thịt. Tuy nhiên, những thứ đó không bao giờ làm ngài thỏa mãn. Trong cuốn Tự Thuật ngài đã nói: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa” (TT 1,I,1) Thánh nhân sau mười năm trở lại mới nói được câu đó, nghĩa là sau những kinh nghiệm sa ngã ngài mới thấy rằng chỉ có Thiên Chúa mới thỏa mãn được nỗi khao khát của mình. Khao khát đó Thiên Chúa đã đặt vào trong tâm khảm của con người. Nếu con người biết dùng năng lực đó đúng thì thật phúc cho con người. Chúa Giêsu nói: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính” (Mt5,6) Chỉ khát khao điều chính trực thì con người mới gặp được hạnh phúc.

II.                 NHỮNG CHỦ THUYẾT ẢNH HƯỞNG LÊN GIỚI TRẺ

Nếu  thánh Augustino chịu ảnh hưởng bởi những trao lưu triết học lúc bấy giờ và đã từng đi trật đường, thì với những khao khát trong mình, cùng với nỗi xao xuyến lo âu,  người trẻ ra đi. Tuy nhiên không ít những cám dỗ luôn tấn công họ, khiến họ có rất nhiều nguy cơ sa ngã, chạy theo những thuyết vô thần mà xa rời với giá trị của gia đinh và đức tin mình đã thừa hưởng từ gia đình và Giáo Hội, hoặc chạy theo những chủ nghĩa tương đối, những trào lưu hưởng thụ, những thử nghiệm tình ái... Đức Bênêđictô nói:“Biết bao nhiêu là chiều gió chủ nghĩa chúng ta đã từng biết đến trong mấy thập niên qua! Biết bao nhiêu là trào lưu ý hệ! Biết bao nhiêu là trường phái tư tưởng! Con tầu nhỏ bé mang các tư tưởng của nhiều Kitô hữu thường bị xô lấn bởi những cơn sóng này, hất từ cực đoan này sang cực đoan kia: từ chủ nghĩa Marxít đến chủ nghĩa tự do (liberalism), thậm chí đến chủ nghĩa duy tự do (libertarianism); từ chủ nghĩa tập thể (collectivism) đến chủ nghĩa cá nhân cực đoan (radical individualism); từ chủ nghĩa vô thần đến chủ nghĩa tôn giáo mập mờ bí hiểm (vague religious mysticism); từ chủ nghĩa ngộ thức (agnosticism) đến chủ nghĩa hòa đồng (syncretism) v.v. Ngày nào cũng có những thứ giáo phái mới, khiến cho những lời của Thánh Phaolô nói trở thành sự thật về việc con người bị lừa đảo và cái tinh quái làm cho con người bị lầm lạc. Có một đức tin minh tường, theo Kinh Tin Kính của Giáo Hội, thường được gán cho là chủ nghĩa thủ cựu (fundamentalism). Khi chủ nghĩa tương đối (relativism), nói cách khác, khi để cho mình ‘bị xô đẩy theo chiều gió chủ nghĩa’ được cho là thái độ duy nhất thích hợp với thời đại tân tiến, thì đó là lúc cái độc đoán của chủ nghĩa tương đối được hình thành, một chủ nghĩa cho rằng không có gì là tuyệt đối và là một chủ nghĩa chỉ căn cứ vào duy bản thân kình và những gì nó ước muốn.”[2]

Ta có thể đưa ra đây vài cám dỗ mà giới trẻ phải đường đầu.

1.      Chủ nghĩa hiện sinh vô thần

Tuổi trẻ là tuổi khẳng định mình. Thế nhưng nếu việc khẳng định mình đến độ loại trừ người khác, không còn muốn lắng nghe người khác thì đó là chuyện không ổn. Nietzsche, một triết gia hiện sinh vô thần, sinh ngày 15 tháng 10 năm 1844 ở Roecken, đã chủ trương con người hùng, siêu nhân. Ông đề cao ý chí hùng cường, đề cao tự do đến độ gạt Thiên Chúa ra ngoài và coi như Thiên Chúa đã chết (God is dead):  “Trước mặt Thiên Chúa! Trong khi mà vị Thiên Chúa ấy đã chết! Hỡi những người thượng đẳng, vị Thiên Chúa ấy đã là nỗi nguy hiểm lớn nhất của các ngươi"[3] Từ đó ông đề cao chí hùng cường của siêu nhân đó là “đặt mình làm trung tâm và làm quan điểm để nhìn xã hội.”[4] 

Triết lý của ông ảnh hưởng rất lớn trên giới trẻ ở thế kỷ hai mươi và còn kéo dài đến bây giờ. Ngày nay không ít những bạn trẻ đã chạy theo chủ nghĩa vô thần, đã “giết” Thiên Chúa cách nào đó. Họ không muốn đến nhà thờ, nếu có đến thì chỉ ngồi bên ngoài, vừa xem lễ vừa bấm điện thoại. Bên trong ta không biết nhưng bên ngoài xem ra Thiên Chúa không còn chỗ đứng trong cuộc đời họ, dường như họ không cần đến Thiên Chúa, hay Thiên Chúa làm vướng víu họ, ngăn cản họ sống tự do. Họ sẵn sàng trở thành bất hiếu khi cha mẹ bảo họ đi nhà thờ nhưng họ không đi, sau cùng họ bất hiếu với chính Thiên Chúa.

Về tương quan với  xã hội  và gia đình, họ chẳng muốn nghe ai. Họ coi mình như là “cái rốn” của vũ trụ. Họ cho mình biết mọi chuyện, giỏi hơn người khác. Họ khẳng định mình đến độ không muốn nghe cha mẹ, nếu không muốn nói là đôi khi họ cải lại, mắng chửi vô lễ với cha mẹ. Họ muốn sống tự do theo cách nghĩ của họ, muốn thoát ra khỏi những thứ mà họ cho là những ràng buộc của gia đình, của Giáo hội. Họ muốn làm siêu nhân, muốn trở thành người hùng. Nhưng càng muốn trở thành người hùng họ lại càng trở nên bất hiếu với các đấng sinh thành nên mình.

2.      Chủ Nghĩa duy vật

Tuổi trẻ đang đương đầu với một chủ thuyết chủ trương chỉ có vật chất, từ đó kéo theo chủ nghĩa vô thần. Mọi sự là vật chất, chẳng có thần thánh hay Chúa Mẹ nào cả. Và với chủ trương như thế họ chỉ chủ tâm tìm kiếm vật chất, sống là làm việc, hưởng thụ rồi lăn ra chết, không còn gì sau cuộc đời này nữa. Chủ thuyết này ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ, nhất là trong những đất nước duy vật. Họ chỉ còn kiếm tiền và không còn nghĩ gì đến Thiên Chúa, họ thích tiền hơn các giá trị nhân linh. Và điều này xảy ngay trong gia đình, họ bòn mót của cha mẹ, họ giành giật nhau từng đồng tiền, từng mảnh đất; họ sẵn sàng chửi cha mẹ, anh chị em chỉ vì một chút quyền lợi. Có trường hợp anh em từ nhau, đánh nhau và cả giết nhau chỉ vì cha mẹ không chia đất đồng điều. Vì đồng tiền mà biết bao nhiêu cuộc bạo hành xảy ra trong gia đình. Vì đồng tiền mà họ trở thành những đứa con bất hiếu. Họ tính toán với cha mẹ từng đồng xu, trong khi trước đó cha mẹ đã cho họ tất cả, không tính toán so đo với họ, đúng như câu ca dao, “mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi mẹ kể tháng kể ngày.” Vì vậy có những ông bố bà mẹ thà đi ăn xin để sống qua ngày, hơn là sống lệ thuộc mấy đứa con.

3.      Chủ nghĩa hưởng thụ và khoái lạc

Tiếp nối chủ nghĩa duy vật là chủ nghĩa hưởng thụ và khoái lạc mà Giáo hội không ngừng lên án. Con người ta chỉ còn biết tìm mọi cách để hưởng thụ và đạt được những khoái lạc. Với chủ trương như thế nhiều bạn trẻ đã ăn chơi thâu đêm, suốt sáng trong những hộp đêm, quán bar, với những ma men của rượu bia, những thuốc lắc, ma túy, tình dục mà hậu quả là biết bao nhiêu thai nhi đã bị giết. Lối sống hưởng thụ làm cho con người chỉ biết sống ích kỷ, chỉ biết để ý đến khoái cảm của mình mà không nghĩ đến sự sống người khác, chỉ biết hành động mà không có trách nhiệm, không dám nhận lấy hậu quả do mình gây ra. Họ sống thử, quan hệ tình dục một cách dễ dàng, kèm theo đó là những phim ảnh đồi trụy tràn ngập khắp mạng truyền thông đã đẩy họ vào con đường tội lỗi.

Phá thai ở Việt Nam vào năm 2019 được xếp vào thứ 5 thế giới và thứ nhất vùng Đông-Nam Á . Tờ báo Nhân Dân Điện Tử, ngày 10-02-2019, đăng bài viết tựa đề Báo Động Nạn Phá Thai ở Người Trẻ, có đoạn viết: “Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), mỗi năm nước ta có khoảng 250 đến 300 nghìn ca nạo phá thai được báo cáo chính thức. Trong khi đó, theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, khoảng từ 20 đến 30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và từ 60 đến 70% là sinh viên, học sinh, chủ yếu ở độ tuổi từ 15 đến 19. Trong đó, khoảng 20% ở độ tuổi vị thành niên. Con số này cho thấy, chúng ta đang là nước đứng thứ năm trên thế giới và đứng đầu khu vực Ðông - Nam Á về tình trạng nạo phá thai.”[5]

Bên cạnh đó vì tình dục mà các gia đình ngoại tình, gây đổ vỡ cho gia đình. Nhiều gia đình phải ly dị cũng chỉ vì một bên không đáp ứng được nhu cầu sinh lý. Vì tình dục mà người ta đánh mất những giá trị khác.

Nhiều bạn trẻ vì muốn sống theo trào lưu hưởng thụ đã bất chấp những lời khuyên của các bậc cha mẹ. Những lời giáo huấn, những lời nhắc nhủ của cha mẹ, họ bỏ ngoài tai. Họ chỉ muốn thỏa mãn những khát vọng xác thịt của họ, và rồi họ để lại hậu quả cho mình, cho gia đình và cho xã hội, chẳng hạn như mắc bệnh truyền nhiễm, HIV, … Và như thế cách nào đó họ là những người con bất hiếu.

4.      Chủ nghĩa tương đối

Trong tông huấn Evangelii Gaudium, Đức giáo hoàng Phanxicô viết: “Tiến trình tục hóa đã đẩy đức tin và Giáo Hội vào lãnh vực cá nhân riêng tư và thầm kín. Hơn nữa, với việc phủ nhận tất cả chiều kích siêu việt, nó tạo ra những sai lệch về mặt đạo đức, làm suy yếu ý nghĩa về tội cá nhân và xã hội, âm thầm đẩy mạnh chủ nghĩa tương đối, đưa đến việc mất định hướng nói chung, đặc biệt là trong giai đoạn vị thành niên và tuổi trẻ, là nhóm người rất dễ bị chao đảo trước những thay đổi như thế.”[6]

Có cái tương đối và có cái tuyệt đối, Những gì là vật chất, thuộc thế tục là tương đối. Những giá trị thuộc về Thiên Chúa là vĩnh cửu, tuyệt đối. Thế nhưng con người tương đối hóa mọi sự: tình yêu, lòng trung thành, sự hy sinh, chữ hiếu và ngay cả Thiên Chúa. Khi người ta không còn cho cái gì là tuyệt đối, là vĩnh cửu, khi người ta gạt Thiên Chúa và đưa Ngài xuống hàng tương đối  thì lòng đạo đức bắt đầu xuống dốc, gia đình tan vỡ, giao ước tình yêu bị coi thường, khi đó người ta đã tục hóa những giá trị vĩnh cửu và tục hóa chính Thiên Chúa, biến Thiên Chúa không khác gì một sự vật chóng qua. 

Giới trẻ ngày nay, vô tình hay hữu ý, bị ảnh hưởng rất lớn bởi chủ nghĩa này. Họ coi mọi sự chỉ là tương đối, vì vậy họ lao vào sống thử, dễ dàng ly dị… Họ không coi trọng tình yêu vợ chồng, tình yêu với cha mẹ là những giá trị tuyệt đối. Từ đó họ cũng dễ dàng đi đến văn hóa loại bỏ, đôi lúc loại bỏ chính cha mẹ ruột của mình, bằng cách bỏ rơi các ngài. Họ coi chữ hiếu cũng chỉ là tương đối.

Đứng trước những chủ nghĩa như thế biết bao người trẻ đã sa ngã. Có người cố gắng chỗi dậy từ sa ngã; có người không thể nào chỗi dậy khi đã sa ngã. Họ rất mạnh mẽ nhưng cũng rất yếu đuối. Chính vì thế họ cần được gia đình hướng dẫn ngay từ nhỏ, cần được giáo dục phát triển toàn diện. Khi ra đời họ cần được chuẩn bị để đối phó với những khó khăn thử thách. Khi họ sa ngã, đi lạc lối họ cần được gia đình và Giáo Hội đón nhận và giúp đỡ để bắt đầu lại. Giới trẻ cần được đồng hành nâng đỡ, được hiểu và được thông cảm. Họ cần được đưa về lại với những giá trị truyền thống Việt Nam, những lời giáo huấn của giáo hội và nhất là Kinh Thánh để họ sống lại những giá trị trong đời sống gia đình. Những bậc cha mẹ và người lớn phải giúp họ để họ không bao giờ được thất vọng cho dù có yếu đuối như thế nào đi nữa. Họ cần được cho biết là không được thất vọng vì không bao giờ Chúa thất vọng về họ. Họ cần hiểu rằng Đấng thương họ nhất chính là Chúa Kitô, Đấng đã chết vì họ.

III.              ĐỒNG HÀNH CÙNG GIỚI TRẺ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

Người trẻ luôn mang trong mình một khát vọng: niềm hy vọng với nỗi khát khao. Thế nhưng, với những khát vọng đó, nếu giới trẻ không được đồng hành, giáo dục, hướng dẫn, thông cảm, nâng đỡ, bao dung tha thứ, bằng tình yêu, bằng lời nói, bằng đời sống gương mẫu, nhất là bằng đời sống cầu nguyện của các bậc cha mẹ thì họ khó có thể thoát khỏi những lôi cuốn của những chủ nghĩa mà chúng ta vừa trình bày trên đây.

Đức Thánh Cha Phanxico nói: “Niềm hy vọng nói với chúng ta về một sự đói khát, một niềm khát khao có được sự viên mãn, cũng như ước ao có được một cuộc sống thành công; và do đó dẫn tới việc mong muốn chạm tới được những điều lớn lao hơn, mong muốn đạt tới được điều mà nó mở rộng con tim và mở mang tinh thần để đạt tới được những điều cao thượng, chẳng hạn như chân lý, sự thiện, vẻ đẹp, công lý và Tình Yêu. Nhưng điều đó mang đến cho mình một mối nguy hiểm. Nó đòi người ta phải sẵn sàng để không cho phép mình bị lôi cuốn bởi sự chạy trốn và bởi sự rầy rà, bởi những lời hứa hẹn sai quấy về một niềm hạnh phúc trống rỗng, một sự tiêu khiển tức thời và ích kỷ, một cuộc sống tầm thường và chỉ nghĩ đến cái tôi, nhưng chúng chỉ để lại trong con tim một nỗi sầu muộn và đắng cay. Không, niềm hy vọng thì gan dạ. Nó biết nhìn xa hơn những tiện nghi cá nhân, nhìn xa hơn những sự an toàn nhỏ nhoi và những sự bù trừ, mà sự bù trừ ấy sẽ làm cho đường chân trời bị hẹp lại; nhìn xa để mở ra những lý tưởng to lớn, mà chúng làm cho cuộc sống trở nên mỹ miều và xứng với nhân phẩm hơn.”[7]

1.      Đồng hành với giới trẻ trong việc giáo dục

Vì vậy giới trẻ cần được giáo dục để khát vọng của họ đi đúng đường. Giáo dục là bổn phận và là quyền lợi của cha mẹ. Trong Tông huấn hậu thượng Hội Đồng Giám Mục, AMORIS LAETITIA, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: ‘“Tôi cảm thấy thật quan trọng để nhắc lại rằng việc giáo dục toàn diện cho con cái là một ‘bổn phận hệ trọng nhất’ và đồng thời là một ‘quyền đệ nhất’ của cha mẹ. Vấn đề không chỉ là một trách nhiệm hay một gánh nặng, nhưng còn là một quyền thiết yếu và bất khả nhượng mà cha mẹ được mời gọi để bảo vệ và không ai có thể tước nó khỏi cha mẹ. Nhà nước cung ứng các chương trình giáo dục theo cách bổ trợ, nhằm hỗ trợ các cha mẹ trong chức năng không thể ủy thác này; cha mẹ có quyền tự do chọn lựa loại hình giáo dục – có phẩm chất tốt và tiếp cận được – mà họ muốn trao gửi cho con cái mình, theo những xác tín của họ. Trường học không thay thế cha mẹ, nhưng chỉ bổ sung. Đây là một nguyên tắc căn bản: ‘Bất cứ ai hợp tác vào tiến trình giáo dục phải hành động nhân danh các phụ huynh, với sự đồng thuận của họ và, trong mức độ nào đó, còn với sự ủy quyền của các phụ huynh’. Thế nhưng, ‘một kẽ nứt đã lộ ra giữa gia đình và xã hội, giữa gia đình và học đường; khế ước giáo dục ngày nay đã bị phá vỡ; và như thế giao ước giáo dục giữa xã hội và gia đình đang lâm vào khủng hoảng.’ Thế nhưng tôi cảm thấy thật quan trọng để nhắc lại rằng việc giáo dục toàn diện cho con cái là một ‘bổn phận hệ trọng nhất’ và đồng thời là một ‘quyền đệ nhất’ của cha mẹ. Vấn đề không chỉ là một trách nhiệm hay một gánh nặng, nhưng còn là một quyền thiết yếu và bất khả nhượng mà cha mẹ được mời gọi để bảo vệ và không ai có thể tước nó khỏi cha mẹ. Nhà nước cung ứng các chương trình giáo dục theo cách bổ trợ, nhằm hỗ trợ các cha mẹ trong chức năng không thể ủy thác này; cha mẹ có quyền tự do chọn lựa loại hình giáo dục – có phẩm chất tốt và tiếp cận được – mà họ muốn trao gửi cho con cái mình, theo những xác tín của họ. Trường học không thay thế cha mẹ, nhưng chỉ bổ sung. Đây là một nguyên tắc căn bản: ‘Bất cứ ai hợp tác vào tiến trình giáo dục phải hành động nhân danh các phụ huynh, với sự đồng thuận của họ và, trong mức độ nào đó, còn với sự ủy quyền của các phụ huynh.’ Thế nhưng, ‘một kẽ nứt đã lộ ra giữa gia đình và xã hội, giữa gia đình và học đường; khế ước giáo dục ngày nay đã bị phá vỡ; và như thế giao ước giáo dục giữa xã hội và gia đình đang lâm vào khủng hoảng.”’[8]

1)     Giáo dục và sống đức tin

Đức Bênêđictô XVI trong Tông Huấn Porta Fidei: Cánh cửa đức tin, đã nhắn nhủ: “Cần gia tăng suy tư về đức tin để giúp tất cả các tín hữu của Chúa Kitô ý thức hơn và củng cố lòng gắn bó với Tin Mừng, nhất là trong lúc có những thay đổi sâu xa mà nhân loại đang trải qua như hiện nay. Chúng ta sẽ có dịp tuyên xưng đức tin nơi Chúa Phục Sinh trong các nhà thờ chính tòa của chúng ta và các thánh đường trên toàn thế giới; trong các gia cư và gia đình chúng ta, để mỗi người mạnh mẽ cảm thấy nhu cầu cần biết rõ hơn về đức tin ngàn đời và thông truyền cho các thế hệ trẻ.”’[9]

Giáo dục đầu tiên là giáo dục đức tin cho con cái, tức là dạy cho con cái mình về Chúa, về Tin Mừng, về giáo lý của Hội Thánh công giáo. Cha mẹ phải dạy cho con biết kính sợ Chúa vì “lòng kính sợ Chúa là trường dạy khôn ngoan,”[10] và “những ai kính sợ Đức Chúa thì không ngang bướng bất tuân lời Người dạy.”[11] Khi không còn kính sợ Chúa nữa thì con người ta trở nên mê muội. Biết bao nhiêu người trẻ trở nên mê muội vì không biết biết Chúa, không kính sợ Chúa. Họ sống như không có Thiên Chúa, họ sa vào ăn chơi vì họ không thấy Thiên Chúa hoặc vì họ khinh thường Thiên Chúa. Cha mẹ cũng phải dạy cho con cái về lòng thương xót Chúa khi chúng sa ngã, vì “con người thì thương xót cận thân, còn Đức Chúa xót thương mọi phàm nhân.”[12]

Cha mẹ phải nói về Chúa ngay khi chúng còn nhỏ, ngay cả khi chúng còn nằm trong bụng. Những lời cha mẹ nói không bao giờ mất đi nơi đứa trẻ, nhưng nằm sâu trong vô thức. Nếu chúng ta cho nó nghe và tiếp xúc với những gì xấu thì lớn lên nó sẽ hành động theo những gì nó đã nạp trong vô thức. Nếu chúng ta cho nó tiếp xúc với lời Chúa, với những gì tốt lành thánh thiện và với Chúa, thì những điều đó sẽ hướng dẫn nó sau này. Ngày nay vì không ý thức đủ chuyện này hoặc vì hoàn cảnh cuộc sống, nhiều cha mẹ đã cho con tiếp xúc sớm với ti vi, với iphone, ipad, mạng internet, phim ảnh… mà cứ nghĩ là không sao, nhưng thực ra nó ảnh hưởng khủng khiếp trên nhân cách và đời sống thiêng liêng sau này của đứa trẻ. Vì vậy trẻ cần được giáo dục và bảo vệ ngay từ nhỏ.

Cha mẹ cần dâng con cho Chúa ngay từ tấm bé để Chúa gìn giữ nó. Bà Anna trong Cựu ước đã dâng con cho Chúa ngay từ khi còn trẻ: “Nếu Ngài cho nữ tỳ Ngài một mụn con trai, thì con sẽ dâng nó cho Đức Chúa mọi ngày đời nó.”[13] Và quả thực bà đã giữ lời hứa sau khi cai sữa đứa trẻ là Samuen. Cậu ở trong nhà Đức Chúa, “càng lớn lên và đẹp lòng Đức Chúa, lẫn người ta.”[14] Nếu cha mẹ dâng con cho Chúa với một niềm tin phó thác cho Chúa chắc chắn Chúa sẽ gìn ngữ nó. Nhưng dâng cho Chúa không có nghĩa khoán trắng cho Ngài, trái lại cha mẹ cần cộng tác với Ngài, để cho Ngài hướng dẫn con cái qua lời nói và hành động của mình.

Gia đình là trường học đầu tiên, nơi đó tuổi trẻ phải được giáo dục về Chúa, được sống với Chúa qua các giờ kinh nguyện chung trong gia đình. Trong thư gởi các gia đình công giáo, đề ngày 20 tháng 11 năm 2016, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có nói: “Gia đình là ngôi nhà thờ phượng khi gia đình tràn ngập sự hiện diện của Chúa. Ngài sẽ bước vào ngôi nhà của anh chị em khi mọi người trong nhà cầu nguyện chung, lắng nghe Lời Chúa và mời Chúa đến thăm: ‘Này Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.’[15]  Do đó việc lập bàn thờ và cầu nguyện chung trong gia đình là điều rất quan trọng với gia đình Công giáo. Những giờ cầu nguyện chung liên kết mọi người trong Chúa, giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố gia đình, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và trở nên chứng nhân của Chúa giữa lòng đời.’”

Còn Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Cầu nguyện trong gia đình là một phương thế ưu việt để diễn tả và củng cố đức tin phục sinh. Gia đình có thể dành ít phút mỗi ngày để quy tụ với nhau trước nhan Thiên Chúa hằng sống, nói với Ngài về những lo lắng bận tâm, cầu xin với Ngài cho những nhu cầu của gia đình, cầu nguyện cho ai đang gặp khó khăn, xin Chúa giúp ta biết sống yêu thương, tạ ơn Ngài về sự sống và về bao ơn lành khác, cầu xin Đức Trinh Nữ che chở chúng ta dưới tà áo Mẹ. Với ít lời lẽ đơn sơ thôi, nhưng những phút giây cầu nguyện đó có thể mang lại điều tốt lành lớn lao cho gia đình. Những diễn tả khác nhau của lòng đạo đức bình dân là một kho tàng linh đạo cho nhiều gia đình. Hành trình cầu nguyện chung của gia đình đạt tới đỉnh điểm trong việc tham dự Thánh lễ”[16]

Nhờ cầu nguyện chung trong gia đình mà có nhiều vị thánh trẻ. Đức Thánh Cha Phanxicô liệt kê ra mười hai vị thánh trẻ[17]:

- Vào thế kỷ thứ ba, Thánh Sebastianô là một chỉ huy trẻ trong Lực lượng Cận vệ Hoàng đế. Người ta kể rằng đi đâu ngài cũng nói về Đức Kitô và tìm cách làm cho các đồng đội của mình theo đạo, đến mức ngài bị buộc phải chối bỏ đức tin. Vì bất tuân lệnh ấy, ngài phải hứng một trận mưa mũi tên, nhưng ngài vẫn sống sót và tiếp tục rao giảng về Đức Kitô mà không hề sợ hãi. Cuối cùng, họ đánh đòn ngài cho đến chết.

- Thánh Phanxicô Assisi là một người trẻ đầy mơ ước. Ngài nghe tiếng Chúa Giêsu mời gọi trở nên nghèo khó như Người và cải tổ Hội Thánh bằng chứng tá đời sống. Ngài đã hân hoan từ bỏ mọi sự, và nay trở thành vị thánh của tình huynh đệ phổ quát, người anh em của mọi người, ca ngợi Chúa vì công trình tạo dựng của Chúa. Thánh nhân qua đời năm 1226.

- Thánh Jeanne d’Arc sinh năm 1412, là một thiếu nữ nông dân. Dù tuổi đời còn trẻ, ngài đã chiến đấu bảo vệ nước Pháp chống kẻ ngoại xâm. Bị hiểu lầm về cách ứng xử và cách sống đức tin của mình, thánh nhân đã bị thiêu sống.

- Chân phước Anrê Phú Yên là một thanh niên Việt Nam sống vào thế kỷ 17. Ngài là một giáo lý viên và là trợ tá của các vị thừa sai. Ngài bị tống giam vì đức tin, và vì không chịu từ bỏ đức tin, ngài đã bị giết. Anrê chết trong lúc đang kêu Danh Thánh Giêsu.

- Cũng vào thế kỷ 17, Thánh Kateri Tekakwitha, một thiếu nữ thổ dân Bắc Mỹ, đã bị bách hại vì đức tin. Cô bỏ trốn bằng cách đi bộ hơn ba trăm kilômét trong một khu rừng rậm. Kateri đã dâng hiến mạng sống cho Thiên Chúa, và khi chết ngài thốt lên: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa!”

- Thánh Đaminh Saviô thì dâng mọi đau khổ của mình cho Đức Maria. Khi Thánh Gioan Bosco dạy ngài rằng nên thánh nghĩa là lúc nào cũng vui vẻ, ngài đã mở lòng ra với một niềm vui có sức lan toả. Saviô tìm cách gần gũi các bạn của ngài, những người bị bỏ rơi và bệnh tật nhiều nhất. Thánh nhân qua đời năm 1857, lúc 14 tuổi, khi ấy ngài reo lên: “Tôi đang nhìn thấy điều kỳ diệu biết bao!”

- Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu sinh năm 1873. Lúc 15 tuổi, ngài đã vượt qua nhiều khó khăn để được gia nhập tu viện Cát Minh. Têrêsa đã sống con đường bé nhỏ của lòng tín thác tuyệt đối vào tình yêu của Chúa, và muốn dùng đời sống cầu nguyện để làm cho ngọn lửa tình yêu đang linh hoạt Hội Thánh luôn bùng cháy.

- Chân phước Ceferino Namuncurá là một thanh niên người Argentina, con trai một thủ lãnh lớn của một bộ tộc bản địa. Ngài trở thành một chủng sinh Salêdiêng, rất tha thiết trở về bộ tộc của mình để đưa mọi người đến với Chúa Giêsu Kitô. Ceferino qua đời năm 1905.

- Chân phước Isidore Bakanja là một giáo dân người Congo làm chứng về đức tin. Ngài bị hành hạ một thời gian dài vì đã giới thiệu Kitô giáo cho các bạn trẻ khác. Isidore qua đời năm 1909 trong khi tha thứ cho kẻ hành hình mình.

- Chân phước Pier Giorgio Frassati, qua đời năm 1925, “là một thanh niên tràn đầy niềm vui có sức lan toả, niềm vui vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc đời của ngài”. [22] Pier Giorgio nói rằng ngài muốn đáp lại tình yêu của Chúa Giêsu mà ngài lãnh nhận khi rước lễ, bằng cách đi thăm và giúp đỡ người nghèo.

- Chân phước Marcel Callo là một thanh niên người Pháp, qua đời năm 1945. Marcel bị giam trong một trại tập trung ở Áo, ở đó ngài đã củng cố đức tin cho các bạn tù, giữa môi trường lao động khổ sai.

- Chân phước trẻ Chiara Badano, qua đời năm 1990, “đã cảm nghiệm rằng đau khổ có thể được biến đổi nhờ tình yêu… Bí quyết để có an bình và vui tươi của Chiara là hoàn toàn tín thác nơi Chúa và đón nhận bệnh tật như một biểu lộ huyền nhiệm Ý Chúa để mưu ích cho cô và cho tất cả mọi người”.

Đặc biệt có một vị thánh trẻ mới được Giáo Hội nâng lên bậc chân phước, đó là thánh Carlo Acutis. Thánh nhân là một thiếu niên mười lăm tuổi, một chuyên viên vi tính, đã say mê Chúa Giêsu, đặc biệt Bí Tích Thánh Thể. Ngài đã từng nói: “Cố gắng tham gia Thánh lễ và rước Thánh Thể mỗi ngày. Hãy tìm kiếm Chúa, và bạn sẽ thấy được ý nghĩa của cuộc đời mình. Người môn đệ đích thực của Chúa Giê-su Ki-tô đó chính là người luôn tìm cách noi gương Ngài và làm theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự.”[18]

Các thánh là những bức gương sống động cho bạn trẻ ngày nay. Noi gương các thánh các bạn trẻ đừng sợ sống cho Chúa Giê su, nhưng hãy nghe lời thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Đừng sợ! Hãy mở ra, hãy mở cửa cho Chúa Kitô!”[19] Nếu giới trẻ biết mở lòng ra thì Chúa Giêsu sẽ vào tâm hồn họ, lúc đó họ sẽ sống trong Ngài, nhờ Ngài và với Ngài : “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.”[20] Giới trẻ đừng sợ dành thời giờ cho Chúa, qua các giờ kinh tối sáng, cách đặc biệt Thánh lễ Chúa Nhật. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Chúng ta đừng bao giờ hối tiếc về việc đã dành tuổi trẻ của mình làm người tốt, khi mở lòng ra cho Chúa và sống một cách khác. Tất cả những điều ấy không hề lấy mất tuổi trẻ của chúng ta, nhưng lại làm cho tuổi trẻ mạnh mẽ và được đổi mới.”[21]Có Chúa họ sẽ không còn sợ hãi nữa vì chính Chúa sẽ nói: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”[22]

Rất tiếc ngày nay dường như việc đọc kinh gia đình bị sa sút, việc đi lễ cũng bị lơ là, vì thế mà lòng đạo cũng sa sút theo, nền luân lý trong gia đình xuống cấp, tương quan giữa con cái với cha mẹ, giữa cha mẹ với con cái trở nên nhạt nhẽo. Ta phải ghi nhận rằng việc gia đình thiếu quan tâm đến Chúa có thể do nhiều nguyên nhân: công việc, học hành, áp lực cuộc sống, mệt mỏi, … Tuy nhiên nếu gia đình nào muốn con cái tốt lành, thì gia đình đó phải siêng năng cầu nguyện và nhắc nhau cầu nguyện. Vì vậy cần khôi phục lại kinh nguyện trong gia đình, cần truyền cho nhau ý của Chúa qua Kinh Thánh. Tương quan với Chúa tốt thì tương quan với anh chị em, cha mẹ, ông bà cũng sẽ tốt. Tương quan với Chúa giảm thì tương quan với anh chị em, cha mẹ, ông bà  cũng giảm. Chữ hiếu, hay điều răn thứ tư đang bị vi phạm rất nhiều, bởi vì cha mẹ thiếu quan tâm đến đời sống thiêng liêng của con cái.

2)     Giáo dục về chữ hiếu

Bên cạnh giáo dục đức tin, đời sống thiêng liêng cho con cái, cha mẹ cũng còn phải giáo dục chữ hiếu cho con cái. Văn hóa Việt Nam đề cao chữ hiếu, nghĩa là quan tâm đặc biệt đến thái độ con cái phải có đối với ông bà cha mẹ, những người sinh thành ra mình. Hơn thế nữa đối với những người công giáo, còn có luật của Chúa là phải thảo kính cha mẹ. không được lấy bất cứ lý do nào để bỏ giới răn này: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử”[23] Cha mẹ phải thông hiểu luật Chúa về chuyện này để dạy cho con cái mình biết thảo hiếu với cha mẹ, cho chúng biết giá trị của những người cao tuổi. Kinh Thánh dạy nhiều về chữ hiếu, chẳng hạn: Con ơi, hãy săn sóc cha mẹ con khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn con cũng  phải cảm thông, đừng cậy mình sung sức mà khinh dể người.” [24] Thánh Phaolô thì dạy:“Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”[25]

Ngày nay nhiều bạn trẻ coi thường cha mẹ, không nghe lời cha mẹ, khinh thường những người gia nua, thất học. Họ sẵn sàng cải lại hoặc cho những người lớn là quê mùa, là lỗi thời, trong khi họ không ý thức được rằng kinh nghiệm của người già là kho tàng quý giá vô cùng.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nói: “Cần phải nói đến bổn phận chăm sóc người cao tuổi, vốn là nét đẹp truyền thống trong văn hoá dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời đại quá đề cao thành công vật chất và hiệu năng sản xuất ngày nay, người ta có khuynh hướng coi người già như gánh nặng của xã hội và muốn loại ra bên lề. Chúng ta cần phải có cách nhìn tích cực hơn về vai trò của người cao tuổi. Thật vậy, người già là ký ức của lịch sử, sợi dây nối kết các thế hệ, người truyền lại kinh nghiệm và sự khôn ngoan cho con cháu. Vì thế, một gia đình không biết trân trọng người già thì gia đình đó đang trên đà suy thoái; ngược lại, gia đình tôn quý người cao tuổi là gia đình có tương lai bền vững.”[26]

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói: “Người trẻ cũng được khuyên nhủ ‘hãy vâng phục những người lớn tuổi’ (1 Pr 5,5). Kinh Thánh luôn mời gọi kính trọng người già, vì người già có cả một kho tàng kinh nghiệm; họ đã nếm trải những thành công và thất bại, những niềm vui và sầu khổ của cuộc đời, những hy vọng và thất vọng; và trong cõi lặng của tâm hồn, họ lưu giữ nhiều câu chuyện có thể dạy chúng ta đừng phạm sai lầm hay để cho những ảo tưởng lôi cuốn. Đây là lời của một bậc cao niên khôn ngoan kêu gọi tôn trọng một số giới hạn và biết làm chủ mình đúng lúc: “Hãy khuyên các thanh niên giữ chừng mực trong mọi sự” (Tt 2,6). Thái độ sùng bái tuổi trẻ hoặc khinh rẻ người lớn tuổi hay người thuộc thế hệ khác đều không phải lẽ. Chúa Giêsu nói rằng người khôn ngoan có khả năng rút ra từ kho tàng của họ cả những điều mới lẫn điều cũ (x. Mt 13,52). Một người trẻ khôn ngoan mở ra với tương lai, nhưng luôn có thể rút tỉa được điều gì đó từ kinh nghiệm của người khác.”[27]

Về chuyện này Chúa Giêsu đã làm gương cho giới trẻ trước tiên. Ngài tuy là Con Thiên Chúa, nhưng đã vâng phục Mẹ Maria và Thánh Giuse: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài.”[28] Trước đó trong Cựu ước ta gặp thấy cô Rút, con dâu người Mô Áp của bà Naomi. Sau khi chồng chết, thay vì ở lại xứ sở mình để có thể đi bước nữa, nhưng không, cô đã đi theo mẹ chồng, với câu nói tuyệt vời cảm động: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa, vì mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con.Mẹ chết ở đâu, con chết ở đó, và nơi đó con sẽ được chôn cất. Xin ĐỨC CHÚA phạt con thế này và thêm thế kia nữa, nếu con lìa xa mẹ mà không phải vì cái chết!”[29]

Vâng phục là một trong những hành động nói lên chữ hiếu. Cha mẹ sẽ đau khổ khi thấy lời nói của mình bị khinh thường, nhất là khi nhắc con sống tốt lành, đạo đức. Cha mẹ sẽ đau khổ khi bảo con đừng quậy phá, lo học hành, thế mà nó không nghe. Cha mẹ sẽ đau khổ khi nhìn thấy con mình sa vào nghiện ngập, ma túy, cờ bạc. Nhưng cha mẹ sẽ đau khổ nhất khi thấy con mất đức tin, không sống đạo, không đọc kinh, không đi nhà thờ; bảo con đi nhà thờ, nó không nghe, hoặc vâng vâng nhưng lại không đi, hoặc đi nhưng lại đứng ngoài, không vào nhà thờ. Cha mẹ sẽ đau khổ khi thấy con mình chạy theo các lạc thuyết, những chủ nghĩa chống lại với đức tin công giáo. Hiểu theo nghĩa đó thì thánh Augustinnô, trước khi trở lại, đã sống bất hiếu cách nào đó, khi gây đau khổ cho mẹ mình là thánh Monica. Thế nhưng thánh nhân đã quay trở lại, và đều đó làm cho thánh Monica vui mừng. Chữ hiếu đã được sống trở lại.

Bên cạnh những gương chữ hiếu trong kinh Thánh hoặc từ các thánh, ta cũng tìm thấy những gương về chữ hiếu trong cuộc sống của chúng ta. Có những bạn trẻ có thể không có đạo nhưng đã sống chữ hiếu cách tuyệt vời. Họ sống theo lương tâm, mà tiếng nói lương tâm sau cùng chính là tiếng nói của Chúa. Cách nào đó họ đã sống điều răn thứ tư cách cảm động.

Câu chuyện thứ nhất: “Những ngày tháng 10 năm 2015, người ta khó có thể nào quên được hình ảnh một cô bé mới chỉ có 9 tuổi ngược xuôi nơi hành lang bệnh viện Bạch Mai để lấy cơm, chăm sóc cho người cha của mình. Cô bé ấy tên là Tô Thị Bích Ngọc, đang học lớp 4, ở Ý Yên, Nam Định. Nhà có hai anh em, mẹ lại bị tâm thần, người anh đang học lớp 8 phải làm thêm ở chợ để lấy tiền đong gạo hàng ngày cho cả nhà. Còn em thì xin nghỉ học theo lên Hà Nội chăm sóc cha mình bị xơ gan, sỏi niệu quản. Mọi việc ông đều cần đến sự giúp đỡ của con gái mình. Ấy vậy nhưng lúc có thời gian, em lại mang sách ra hành lang ngồi đọc, em luôn hi vọng cha sớm khỏe mạnh, khát khao được quay trở lại trường học, tiếp tục ước mơ của mình.

 Câu chuyện thứ hai: Mới 13 tuổi đầu nhưng cô bé Trịnh Thị Lan đã là lao động chính, hằng ngày bươn chải kiếm tiền lo cho bà ngoại già yếu và người mẹ mắc bệnh tâm thần.Từ lúc chào đời Lan đã không biết mặt bố, cô bé cứ thế lớn lên trong trong ngôi nhà xập xệ, dột nát của bà ngoại ở thôn Toán Thọ, xã Thiệu Toán (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Ngay từ những ngày đầu vào tiểu học, cô bé cứ hết giờ học ở trường là chạy về phụ giúp việc nhà, chăm sóc mẹ bệnh tâm thần.

Lên 10 tuổi, Lan đã quen với việc đồng áng, chịu thương chịu khó làm ruộng với gia đình bác trai (anh trai mẹ) để kiếm gạo ăn. Hết mùa cấy, mùa gặt lúa, người dân địa phương lại thấy Lan đi khắp làng trên xóm dưới hoặc đến xã khác để lượm ve chai bán lấy tiền dành dụm mua thuốc cho mẹ, bà ngoại lúc ốm đau.

Nhiều hôm đi học về không thấy mẹ ở nhà, biết là mẹ lại phát bệnh đi lang thang, Lan hớt hải chạy khắp làng tìm mẹ trong nước mắt lưng tròng. Giờ 13 tuổi, Lan đã là lao động chính trong gia đình, hằng ngày lo cho bà ngoại gần 90 tuổi và người mẹ bệnh tật từng bữa cơm, giấc ngủ.

Tuy cuộc sống nhọc nhằn nhưng Lan chưa bao giờ có ý định bỏ học.

Em tâm sự: “Tuổi thơ của em thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần. Những lúc vui buồn em đều không có bố, còn mẹ thì mắc bệnh tâm thần nên không thể tâm sự hay chia sẻ. Tương lai của em sẽ còn nhiều vất vả, nhưng em quyết tâm sẽ học xong đại học để sau này có điều kiện nuôi bà, nuôi mẹ lúc tuổi già...”[30]

Câu chuyện thứ 3: Ở đan viện Thiên Bình, cách đây mấy tháng có bà cụ trên chín mươi tuổi qua đời. Cuộc đời của bà không chồng không con, bà dành dụm được ít tiền mua mảnh đất, xây nhà trọ cho thuê gần đất đan viện để kiếm chút tiền sinh sống tuổi già. Nhưng rồi bà cũng hiến cho đan viện và xin được tá túc trong đan viện cho đến chết. Khi anh em hỏi bà sao bà không lấy chồng, bà trả lời vì thương mẹ già nên không dám đi lấy chồng, chờ mẹ mất rồi lấy chồng. Nhưng mẹ già mất thì bà cũng đã quá sáu mươi tuổi, thế là cứ ở vậy với một đời sống đạo đức. Chính vì chữ hiếu mà bà đã sống một cuộc đời không chồng không con.

Bên cạnh việc dạy dỗ con cái về chữ hiếu, cha mẹ còn phải làm gương sáng về chuyện này, vì “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy.” Giải thích câu tục ngữ này ông  PGS-TS Phạm Văn Tình nói: Câu “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy” muốn nói tới một sự tình ở đời: Những hành vi mà ai đó đã quen làm thì nó sẽ được lặp lại i xì ở chính con cái họ. Tất nhiên, sẽ có hành vi tốt và hành vi xấu. Nhưng câu này nghiêng về sự cảnh báo: Những hành vi xấu, không hay của người đời sẽ được vận ngay vào thế hệ con cái họ.

Thế hệ sau rất dễ nhiễm và bắt chước mọi thói quen, sở thích, hành vi của thế hệ trước. Thế hệ trước không ở đâu xa, chính là cha mẹ. Một người nào đó, ứng xử với cha mẹ không ra gì. Không những anh ta không cung phụng, cho cha mẹ ăn uống tử tế mà còn buông ra những lời cay nghiệt, nhiếc móc, hỗn hào. Lúc đó anh chưa thấy gì. Nhưng cứ đợi đấy, đến lượt con cái anh, chúng sẽ ứng xử hệt với anh như thế, có khi còn tệ hơn. Hậu quả không hay này đã được minh chứng bằng nhiều câu chuyện ngụ ngôn mà khi đọc, những người biết suy nghĩ đều rất thấm thía câu “Cha mẹ hiền lành để đức cho con”.[31]

                  Cha mẹ sống làm sao, con cái bắt chước sống như vậy. Cha mẹ xử thế nào với ông bà thì con cái sẽ xử với mình như vậy. Cha mẹ yêu thương ông bà thì con cái yêu mến cha mẹ. Cha mẹ cho ông bà ăn tử tế thì con cái sẽ cho cha mẹ ăn tử tế. Cha mẹ cho ông bà ăn thừa thì con cái sẽ cho cha mẹ ăn thừa.

                  Viện Phụ Tađêô Phạm Quang Điện, vị sáng lập đan viện Thiên Bình, lúc còn sống thường hay kể câu chuyện sau đây để dạy chúng tôi phải biết sống hiếu thảo với cha mẹ: Hồi ở ngoài Bắc, những lúc đi học, ngài thường đi qua một trường học. Tình cờ ngài thấy một cô con gái hay con dâu gì đó dẫn một bà cụ ra góc trường, rồi giúi bà cụ xuống và nói: ngồi đây nè, nheo nhéo cả ngày không ai chịu nổi. Bẵng một thời gian ngài cũng đi ngang qua đó và thấy một cô gái trẻ dẫn một bà bị mù ra đúng góc trường đó, giúi xuống và nói: ngôi đây này, nheo nhéo cả ngày không ai chịu nổi. Hỏi ra thì bà mù sau là chính người phụ nữ đã dẫn mẹ mình ra góc trường và nói câu đó trước đây.

Bằng đời sống của mình cha mẹ dạy cho con cái mình về chữ hiếu. Thế nhưng đôi lúc chính con cái vô tình hay hữu ý lại dạy cho cha mẹ biết tầm quan trọng của chữ hiếu. Câu chuyện Chiếc Bát Gỗ sau đây minh họa phần nào điều này.

Một ông già gầy yếu phải dọn đến ở chung với con trai, con dâu và một đứa cháu nội lên 4 tuổi. Ông già hai tay run rẩy, mắt đã mờ, chân bước không vững. Cả gia đình ngồi ăn chung nơi bàn ăn. Nhưng người ông lớn tuổi với hai tay lụng cụng và đôi mắt kèm nhèm khiến cho việc ăn uống rất khó khăn. Những hạt đậu rớt từ muỗng xuống sàn nhà. Khi ông với tay lấy ly sữa thì sữa đổ tóe ra khăn bàn.

Người con trai và con dâu rất bực mình vì phải lau chùi dọn dẹp cho ông. Người con trai nói: "Chúng mình phải làm một cái gì để giải quyết vấn đề này. Anh chán ngấy cái vụ ông đánh đổ sữa, ăn uống nhồm nhoàm, và đánh đổ thức ăn trên sàn nhà." Sau đó hay vợ chồng bàn nhau đặt một cái bàn trong góc phòng. Ở đó, người ông phải ngồi ăn một mình trong khi cả gia đình ăn uống vui vẻ. Vì ông cụ đã đánh vỡ mấy cái đĩa, thức ăn của ông được bỏ vào một cái bát gỗ.

Khi cả gia đình liếc nhìn về phía ông cụ, đôi khi thấy ông chảy nước mắt khi phải ngồi một mình. Vậy mà, mỗi khi ông đánh rơi muỗng nĩa hay đánh đổ thức ăn, hai vợ chồng vẫn còn la rầy ông. Đứa cháu 4 tuổi quan sát mọi sự trong thinh lặng. Một tối kia, ngay trước bữa ăn, người cha thấy đứa con nghịch với mấy khúc gỗ vụn trên sàn. Anh ta dịu dàng hỏi: "Con đang làm gì vậy?" Đứa bé cũng trả lời dịu dàng không kém: "Ồ con đang làm một cái bát nhỏ cho ba và mẹ ăn khi con lớn lên." Nó cười và tiếp tục làm việc.

Những lời nói của đứa trẻ làm cho cặp vợ chồng sững sờ không nói nên lời. Rồi những giọt nước mắt tuôn rơi trên mặt họ. Dù không nói ra lời, cả hai đều hiểu phải làm cái gì.

Tối hôm ấy, người con trai, cầm tay bố và dịu dàng dắt ông cụ trở về bàn ăn của gia đình. Và trong suốt những ngày còn lại của cuộc đời ông cụ được ngồi ăn chung với gia đình. Và từ đó cả chồng lẫn vợ dường như không còn chú ý đến những lúc muỗng nĩa rơi, sữa bị đổ tràn hay khăn bàn bị dính bẩn.[32]

Tobia nhắn nhủ với con mình rằng: “Hãy thảo kính mẹ con và đừng bỏ rơi người bao lâu người còn sống. Con hãy ăn ở đẹp lòng người và đừng làm điều chi phiền lòng người cả. Này con, con phải nhớ rằng mẹ con đã trải qua bao nỗi ngặt nghèo vì con, khi con còn trong dạ mẹ. Khi người mất, con hãy chôn cất người ngay bên cạnh cha, trong cùng một phần mộ”[33]

 

3)     Giáo dục nhân bản

Ngày nay người ta thấy nhân bản xuống cấp nơi các bạn trẻ, chúng không còn lễ phép như trước đây, ăn nói một cách thoải mái, thiếu tôn trọng người lớn. Vì vậy, họ cần được giáo dục lại về nhân bản. Cha mẹ không nên coi thường chuyện này. Cha mẹ cần lưu ý đến lời ăn tiếng nói, tác phong, cách ăn mặc của con em mình, và chỉ dạy cho chúng ngay từ khi còn bé, vì “măng không uốn, uốn tre sao được.” Cần phải dạy cho con cái mình những đức tính xã hội như: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, công, dung, ngôn, hạnh.

“Nhân” là tình người, là lòng yêu thương hết mọi người, là không phê bình chỉ trích ai, không xét đoán ai, không kết án ai. Chúa Giêsu dạy: “tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta,”[34] nhưng hơn nữa “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình” [35]

“Lễ” là sống cho lễ phép, lễ độ, coi mọi người là anh chị em của mình với một lòng trong sạch và kính trọng. Thánh Phao lô nhắn nhủ Timôtê, người con tinh thần của Ngài: “Chớ gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ. Trái lại anh hãy nên gương mẫu cho các tín hữu về lời ăn tiếng nói, về các cư xử, về đức ái, đức tin và lòng trong sạch.”[36] Chỗ khác ngài khuyên: “Đừng nặng lời với cụ già, nhưng khi khuyên nhủ, hãy coi cụ như cha; hãy coi các thanh niên như anh em, các cụ bà như mẹ, các thiếu nữ như chị em, với tấm lòng hoàn toàn trong sạch.”[37] Lễ là cách cư xử tốt đẹp, cách bày tỏ lòng kính trọng tha nhân, là cách sống lịch sự: biết chào hỏi khi gặp người lớn, biết kính trên nhường dưới.

“Nghĩa” là  việc phải, việc đúng, là đường lối cư xử theo lẽ phải, là nghĩa vụ, trách nhiệm. Sống theo chữ nghĩa là sống đúng, sống thật, không gian dối, sống có trách nhiệm. Chúa Giêsu dạy: “Có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không.”[38] Ngày nay sự dối trá lan tràn trong xã hội, trong học đường, trong gia đình. Bậc cha mẹ phải dạy cho con cái mình biết sống thật.

“Trí” là khôn ngoan, sáng suốt, thông hiểu, phán đoán chính xác. Người có trí là người biết nhìn sâu vào sự việc, nắm bắt vấn đề cách chính xác, cân nhắc vấn đề, quyết định đúng. Giới trẻ cần được giáo dục để có một sự hiểu biết về tri thức nhân loại, những giá trị của cuộc sống, nhất là về Chúa, về tình yêu, về lòng thương xót của Ngài, về ý muốn của Ngài qua Kinh Thánh, qua lương tâm…

“Tín” là tin cậy, đáng tin, giữ lời, chung thuỷ. Ngày nay ta thấy giới trẻ không quan tâm đến chữ tín, vì vậy mà có chuyện thất hứa trong tương quan giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau, giữa đồng nghiệp, giữa vợ chồng. Vì vậy mà sinh ra nhiều hậu quả, cách đặc biệt là ngoại tình, ly dị…. Vì vậy trẻ cần được giáo dục sống chữ tín này: nói là làm, hứa phải giữ, thề thì phải trung thành, phải chung thủy.

Ngoài ra cũng cần để ý đến “tứ đức”: Công, Dung, Ngôn, Hạnh. Bậc cha mẹ phải dạy cho con mình, nhất là nữ giới, biết làm việc(Công), biết giữ gìn sắc đẹp bên ngoài lẫn bên trong (Dung), biết ăn nói đoan trang lễ phép (Ngôn), biết giữ gìn tiết hạnh, đức hạnh (Hạnh). Dù cách sống có thay đổi theo thời đại, những điều đó vẫn có giá trị, và cần áp dụng một cách linh động, dựa trên nền tảng Kinh Thánh.  

 

4)     Giáo dục về giới tính

 

Phải nói là ngày nay hơn bao giờ hết giới trẻ phải đương đầu với những vấn đề liên quan đến tính dục. Phim ảnh đen tràn lan, nó đánh vào bản năng của con người, nhất là giới trẻ. Đức cha Đinh Đức Đạo viết: “Trong thời gian qua, con người thời đại vốn mang trong mình tính cách yếu đuối, giòn mỏng của bản tính nhân loại, lại phải đối đầu với sức mạnh vũ bão của cuộc cách  mạng tình dục, bắt đầu nhen nhúm tại Hoa Kỳ vào năm 1920 rồi bùng nổ tại các nước Âu Mỹ vào thập niên 60, và từ từ lan rộng ra khắp thế giới. Cuộc cách mạng tình dục cũng được gọi là cuộc giải phóng tình dục, vì nó tìm cách phá đổ các quy tắc truyền thống hướng dẫn đời sống trong các tương quan nam nữ và những quy luật liên quan đến tình dục. Do đó, từ những năm 1960, sách báo, phim ảnh khiêu dâm, trụy lạc được công khai bày bán và chuyển đi khắp nơi.”[39]

Thượng Hội Đồng Giám Mục nói: “Một số người trẻ càng ngày càng bị mê hoặc bởi những hành vi mạo hiểm như một phương tiện để khám phá chính mình, tìm kiếm những cảm xúc mạnh mẽ và được người khác công nhận. Ngoài các hiện tượng đã có từ lâu đời như biết sớm về tình dục, sống phóng đãng, chủ trương du lịch tình dục, tôn thờ thái quá khía cạnh thể lý, giờ đây chúng ta thấy sự lan tràn rộng rãi của những tài liệu khiêu dâm bằng điện toán và triển lãm thân xác trực tuyến. Những hiện tượng này, mà trong đó các thế hệ mới bị đặt vào, tạo thành một trở ngại cho sự trưởng thành trong sáng.  Chúng biểu lộ các động lực xã hội chưa từng có, là các động lực ảnh hưởng đến những kinh nghiệm và lựa chọn cá nhân, qua việc biến chúng thành lãnh thổ của một loại thuộc địa hoá về tư tưởng.” [40]

Trước hiện trạng như thế, gia đình và Giáo Hội nên đưa bạn trẻ về với những nguyên tắc luân lý của Giáo Hội, giúp giới trẻ biện phân và sử dụng tính dục cho đúng; đồng thời cũng cho họ thấy những hậu quả tiêu cực nếu chạy theo những văn hóa đồi trụy. Vì vậy, “các gia đình Kitô giáo và cộng đồng Hội Thánh tìm cách giúp cho những người trẻ khám phá ra rằng phái tính là một món quà tuyệt vời có trong mầu nhiệm, để sống các mối liên hệ theo luân lý của Tin Mừng.”[41]

Rất tiếc nhiều khi các bậc cha mẹ hoặc người lớn đã làm gương xấu về chuyện này. Họ xem phim đen, nói những lời tục tĩu, những lời nói đùa cợt về tình dục, họ ngoại tình,… Điều này ảnh hưởng rất lớn trên giới trẻ. Nhiều trẻ em biết quá sớm về dục do cha mẹ hoặc những người lớn. Vì vậy cha mẹ và những người có trách nhiệm cần tạo cho gia đình một môi trường sống lành mạnh, kiểm soát sách báo, điện thoại, máy tính…

 

2.      Đồng hành với giới trẻ

Sống trong thời đại này, với kinh nghiệm còn non nớt, giới trẻ không tránh được những thất bại, vấp ngã. Họ cần gia đình cùng đồng hành với họ, lúc thành công hay khi thất bại. Họ cần những người lớn, nhất là cha mẹ, những người có kinh nghiệm, cùng đồng hành với họ. Tuổi trẻ rất năng động nhưng cũng rất dễ buông xuôi, dễ rơi vào trầm cảm, cô đơn. Họ cần được sự nâng đỡ, đồng hành, lắng nghe, thông cảm và tha thứ.

Đức Thánh Cha Phanxi cô nói: Nơi người trẻ, cũng có những va vấp, những thất bại và những ký ức buồn thảm hằn sâu trong tâm hồn. Thường đó là “thương tích gây ra bởi những thất bại trong lịch sử của chính mình, bởi những ước muốn không thành, bởi những kỳ thị và những bất công phải chịu, hoặc vì không cảm thấy được yêu thương hay công nhận’. Hơn nữa, ‘có cả những thương tích tinh thần, đó là sức nặng của những lỗi lầm đã phạm, của mặc cảm tội lỗi sau khi phạm sai lầm’. Giữa những thập giá này mà người trẻ phải vác lấy, có Đức Giêsu ở đó để trao ban cho họ tình bạn, niềm an ủi và sự đồng hành có sức chữa lành của Người. Còn Hội Thánh muốn trở nên khí cụ của Đức Giêsu trên con đường này, con đường dẫn đến phục hồi nội tâm và bình an cho tâm hồn.”[42]

Cha mẹ không được rời xa giới trẻ, khi thấy chúng không làm theo ý Chúa, khi thấy chúng bê trể trong vấn đề đạo đức, đi nhà thờ…Cha mẹ không được bỏ rơi con cái ngay cả khi chúng muốn thoát ly khỏi gia đinh. Người lớn cũng không nên la mắng, chửi rủa con cái mình khi chúng yếu đuối sa ngã. Cha mẹ phải là người đi đầu trong việc thông cảm và tha thứ. Nếu không cha mẹ chính là những người tiếp tục đẩy con mình vào con đường xấu. Nếu cha mẹ xa lìa chúng, chúng sẽ đi tìm bạn chơi, mà bạn thì đâu phải lúc nào cũng là bạn tốt. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ngày nay, người lớn chúng ta rơi vào nguy cơ dựng nên một bản liệt kê những vấp váp, những thất bại của người trẻ. Có lẽ một số người lại hoan nghênh vì chúng ta tỏ ra có tài trong việc tìm ra những điểm tiêu cực và nguy hiểm. Nhưng thái độ ấy dẫn đến hệ quả gì? Hệ quả là càng xa cách hơn, ít gần gũi hơn, ít hỗ trợ nhau hơn.”[43]

Bên cạnh cha mẹ, Giáo hội cũng không được rời xa giới trẻ. Họ cần sự nâng đỡ của Giáo Hội. Giáo hội ngang qua các mục tử phải bày tỏ sự gần gũi với giới trẻ, bằng sự quan tâm,  giáo dục, hướng dẫn, thông cảm. Giới trẻ sẽ phản ứng tiêu cực nếu các mục tử cũng phản ứng tiêu cực. Nếu các mục tử la mắng họ bằng những từ ngữ thiếu văn hóa thì họ cũng sẽ phản ứng lại bằng những lời nói tiêu cực. Nếu mục tử không chấp nhận họ thì họ cũng khó chấp nhận mục tử. Nếu mục tử làm mất thể diện họ cách nào đó, thì họ sẽ phản ứng  bằng cách hoặc nói xấu mục tử, hoặc bỏ nhà thờ. Đã từng có những bạn trẻ đã bỏ đi lễ lâu năm khi bị bạt tai hoặc bị la mắng giữa bạn bè.

Vì vậy,

1)     Đồng hành với giới trẻ trong sự thông cảm và tha thứ

Chủ đề mục vụ năm 2021 của giáo phận Xuân Lộc là: “Gia đình hãy trở nên mái ấm của lòng Chúa thương xót-Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đinh.” Thiên Chúa là Đấng đầy xót thương, cho nên gia đinh phải làm cho khuôn mặt xót thương của Chúa được bày tỏ ra ngay chính trong gia đình của mình.

Trong tông sắc công bố Năm Thánh về Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxi cô nói: “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể, nhờ đó, Ngài mạc khải Tình Yêu của Ngài như là Tình Yêu của một người cha và của một người mẹ mà con cái của họ nằm sâu trong con tim của họ. Đó thực sự là một Tình Yêu mãnh liệt. Tình Yêu ấy đến từ tận nơi sâu kín nhất và thẳm sâu nhất, nhưng tất nhiên là được thúc đẩy bởi sự trìu mến và bởi sự cảm thông, bởi lòng khoan nhân và bởi sự tha thứ.”[44] Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta, và, nói như Đức Phanxicô, “Thiên Chúa luôn luôn tỏ ra sẵn sàng trong việc tha thứ, và Ngài sẽ không bao giờ trở nên mỏi mệt trong việc không ngừng tái giới thiệu ơn tha thứ đó”[45]

Thiên Chúa yêu thương chúng ta, xót thương chúng ta thì chúng ta cũng phải biết xót thương tha thứ cho anh chị em, con cái của chúng ta. Giới trẻ có những bất toàn của họ, họ cần được thông cảm và  tha thứ, cần lòng xót thương của Chúa qua gia đình và Giáo Hội. Nếu gia đình và giáo hội có lòng xót thương đối với giới trẻ thì gia đình và Giáo Hội sẽ sẵn sàng chấp nhận tất cả, tha thứ tất cả, bởi vì, như thánh Phaolô nói, “đức mến tha thứ tất cả.”[46]

Tha thứ tất cả sẽ mở ra con đường sống và hy vọng. Câu chuyện người phụ nữ ngoại tình trong Tin Mừng thánh Gioan chương 8,2-11 cho thấy trước khi gặp Chúa Giêsu người phụ nữ ngoại tình nắm chắc là mình sẽ chết vì mọi người đang chuẩn bị ném đá chị; thế nhưng nhờ câu nói của Chúa: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá ném trước đi,” mà những người Do Thái đã không ném đá chị. Nhất là sau khi Chúa nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” thì một sự tha thứ đến với chị, một sự sống mở ra cho chị.

Nếu chúng ta tha thứ, chúng ta cũng sẽ mở ra cho con cái chúng ta con đường sống. Sự dữ tấn công chúng ta, tấn công con em chúng ta, thì chúng ta đừng tiếp tay cho nó. “Ranh giới cuối cùng cho sự dữ chính là Lòng thương xót”, đó là câu nói Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong một quyển sách tựa đề Ký Ức và Căn Tính, xuất bản vài tháng trước ngày ngài mất. Đức Hồng y Ratzinger, sau này là Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, vào dip lễ khai mạc mật nghị hồng y ngày 18 tháng 04 năm 2005, đã nói: “Chúng ta lắng nghe với niềm hân hoan về việc loan báo Năm Lòng Thương Xót Chúa, vì Lòng Thương Xót đã đặt cho sự dữ một ranh giới; Đức Thánh Cha (Đức Gioan Phaolô II) nói như thế. Chúa Giêsu chính là hiện thân của lòng Chúa Thương Xót. Khi chúng ta gặp gỡ Đức Kitô là chúng ta gặp gỡ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.”[47] Chúa mời gọi các gia đình và Giáo Hội chuyển tải sự tha thứ, Lòng Thương Xót Chúa đến với các bạn trẻ.

Và tha thì tha mãi mãi. Chúa bảo tha đến bảy mươi lần bảy: “Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: ‘Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?’ Đức Giê-su đáp: ‘Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”’[48]

Cha mẹ sẵn sàng tha thứ cho các bạn trẻ, nhất là các cha giải tội thay mặt Chúa càng phải sẵn sàng tha thứ cho họ. Cũng như Chúa, các cha giải tội cũng không được mệt mỏi tha thứ cho họ. Đức Thánh Cha Phanxicô nói : “Các Cha Giải Tội cần phải trở thành một dấu chỉ thực sự đối với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Một Cha giải tội không chỉ đơn giản như thế. Người ta sẽ trở thành một Linh Mục Giải Tội, đặc biệt là nhờ vào việc chúng ta phải kiếm tìm ơn tha thứ trước hết cho sự thống hối của chính chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng, trở thành Cha Giải Tội có nghĩa là, tham dự vào với sứ mạng của Chúa Giê-su, và trở nên dấu chỉ cụ thể đối với Tình Yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa, tức Tình Yêu tha thứ và cứu độ. Chúng ta đã đón nhận các ơn Chúa Thánh Thần để tha thứ. Do đó, chúng ta phải có trách nhiệm. Chúng ta không phải là chủ nhân của Bí Tích này, nhưng là người quản lý trung tín ơn tha thứ của Thiên Chúa. Bất cứ vị Linh mục giải tội nào cũng cần phải đón nhận các tín hữu giống như người cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng: đó là một người cha đi đến với đứa con, bất chấp việc đứa con này đã phung phí tài sản của ông.”[49]

Tha thứ và cần được tha thứ đi vi với nhau. Nếu người lớn tha thứ cho bạn trẻ thì người lớn cũng cần được tha thứ bởi các bạn trẻ. Dù ở tuổi nào, con người luôn vấp ngã, yếu đuối và tội lỗi, vì vậy họ cần được tha thứ. Cha mẹ cũng có thể làm những điều sai quấy, hoặc không lo cho con cái cách có trách nhiệm vì yếu đuối hoặc vì hoàn cảnh,… thì con cái cũng phải biết tha thứ cho cha mẹ. Người trẻ cũng cần có sự quảng đại tha thứ cho những người đã gây đau đớn cho mình, có những đau đớn tưởng chừng như không thể tha thứ được, như khi bị đánh đập, hãm hiếp… Có một thánh trẻ ai cũng biết đó là thánh Maria Goretti.

Xin trích ra đây tiểu của thánh nữ như là tấm gương cho các bạn trẻ: “Thánh Maria Goretti sinh ngày 16 tháng 10 năm 1890 tại Corinaldo, Italia, và qua đời với tư cách là vị Thánh Đồng Trinh Tử Đạo ngày mồng 06 tháng 07 năm 1902 tại Nettuno, Italia. Khi mới lên 11 tuổi, Thánh Nữ đã trở thành nạn nhân của một vụ sát hại dã man vì Thánh Nữ quyết bảo vệ sự trinh trong của mình. Cha Mẹ của Maria Goretti là ông Luigi Goretti và bà Assunta Carlini. Cả hai người đều có quê gốc tại Corinaldo, Italia, và là những nông dân thuần túy. Họ có tất cả bảy người con, và Maria Goretti là người con thứ ba. Cuộc sống của Maria Goretti, kể từ khi chào đời cho tới khi cô bị sát hại, đã diễn ra không khác gì cuộc sống của hầu hết các em bé vùng nông thôn Italia cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20: không được học hành tại trường, khả năng đọc sách rất kém, thậm chí còn không thuộc bảng chữ cái, phải làm việc trong nhà và trên các cánh đồng ngay từ khi tuổi đời còn rất nhỏ. Khi Maria Goretti qua đời (lúc cô sắp mừng sinh nhật lần thứ 12), cô chỉ cao 1,38m, thiếu cân, và đã có triệu chứng mắc bệnh sốt rét đang ngày một phát triển.

Vào năm 1897, gia đình ông Luigi Goretti chuyển nơi cư trú từ Corinaldo tới Agro Pontino, tức vùng đồng bằng Pontini. Họ đến định cư tại làng Ferriere thuộc huyện Nettuno, và lại tiếp tục làm nghề canh tác ruộng vườn. Agro Pontino là một vùng đồng bằng nằm tại khu vực Đông Nam Rô-ma, và hồi đó có tên là Paludi Pontine (tức đầm lầy Pontini), vì đó là một khu vực đầm lầy thường xuyên bị tấn công bởi bệnh sốt rét. Mãi tới những năm 30 của thế kỷ 20, Mussolini mới ra lệnh phải tháo cạn nước khỏi khu vực đầm lầy đó.

Tại nơi ở mới, gia đình ông Luigi Goretti đã cùng với gia đình Serenelli điều hành một hợp tác xã nông nghiệp. Nhưng chỉ một năm sau thôi thì ông Luigi Goretti, tức thân phục của Maria Goretti, đã qua đời vì bệnh sốt rét. Vì thế, cô bé Maria đã phải cùng với mẹ mình chăm lo cho gia đình. Mãi cho tới khi Maria lên 11 tuổi, cô mới được Xưng Tội Rước Lễ lần đầu.

Còn ông Serenelli, người cùng điều hành hợp tác xã nông nghiệp nói trên với gia đình Luigi Goretti, có một người con trai tên là Alexandro Serenelli, lớn hơn Maria Goretti 5 tuổi. Cậu ta là người  thanh niên hư hỏng, suốt ngày ăn chơi nêu lổng. Khi Maria Goretti xuất hiện, cậu ta đã thường xuyên đeo đuổi và gạ gẫm cô. Nhưng Maria luôn luôn cự tuyệt trước những lời gạ gẫm của cậu. Vào ngày mồng 05 tháng 07 năm 1902, lúc đó Alexandro đã 16 tuổi, anh ta tìm mọi cách để cưỡng hiếp cô bé 11 tuổi này. Khi anh ta xông vào cô bé, thì cô đã cố hô lên: „Không được, không được! Làm vậy là có tội đấy anh Alexandro ạ, anh sẽ phải sa hỏa ngục đấy!“ Khi bị Maria nhất quyết từ chối và cự tuyệt, Alexandro cảm thấy nhục nhã và vô cùng tức giận, hắn đã vớ lấy chiếc đục gỗ và đâm cô bé tới 14 nhát. Tuy nhiên, dù bị đâm tới 14 nhát, nhưng Maria vẫn còn thoi thóp. Người ta đã mang cô vào bệnh việc Nettuno. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành giải phẫu khẩn cấp cho cô, nhưng cuộc giải phẫu đã không thành công. Cô đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày hôm sau, tức ngày mồng 06 tháng 07 năm 1902 tại bệnh viện nêu trên lúc sắp bước sang tuổi 12. Khi Maria hấp hối, cô đã tha thứ cho kẻ giết mình với những lời sau đây: “Tôi tha thứ cho anh ta; tôi muốn có anh ta bên cạnh tôi trên Thiên Đàng.”[50]

2)     Đồng hành với giới trẻ trong sự lắng nghe

Ngày nay giới trẻ than phiền vì cha mẹ không muốn lắng nghe họ, không có thì giờ để lắng nghe họ, hoặc không biết lắng nghe họ, từ đó không hiểu họ. Có thể cha mẹ lo làm ăn, không có thì giờ nhiều để lắng nghe con cái, hoặc có thể vì trình độ chênh lệch giữa cha mẹ và con cái, nên khi ngồi lại họ khó hiểu nhau, hoặc lối sống của trẻ khác với lối sống của cha mẹ, nên đôi lúc đó cũng là ngăn trở cho cuộc đối thoại giữa cha mẹ và con cái. Dù sao cha mẹ cần thu xếp thời gian để sống với giới trẻ, quan tâm đến họ, lắng nghe họ và hiểu họ.

Thượng Hội Đồng Giám Mục nói: “Các bạn trẻ liên tục phải thực hiện các chọn lựa để định hướng cho cuộc sống của mình. Họ bày tỏ ước mong được lắng nghe, được nhìn nhận, và được đồng hành. Rất nhiều bạn trẻ nghiệm thấy chừng như tiếng nói của mình chẳng được ai quan tâm và chẳng hữu ích gì trong cộng đồng xã hội và Giáo Hội. Trong nhiều bối cảnh khác nhau, hầu như chẳng có ai quan tâm đến tiếng kêu cầu của họ, đặc biệt là trường hợp của những người nghèo nhất và bị bóc lột nhiều nhất. Cả những người lớn cũng thiếu sự sẵn sàng và khả năng lắng nghe.” [51]

Về thời gian dành để lắng nghe, Đức Phanxicô nói: “Dấu hiệu của sự lắng nghe này là thời gian tôi dành cho người ấy. Không phải vấn đề là dành thời gian bao lâu, mà là người ấy cảm thấy rằng thời gian của tôi là của họ: đó là điều người ấy cần để nói những gì muốn nói. Người ấy phải cảm thấy rằng tôi đang lắng nghe vô điều kiện, không cáu kỉnh, không nổi nóng, không tỏ vẻ buồn chán hay mệt mỏi. Đó là cách lắng nghe mà Chúa đã làm khi Người sánh bước với các môn đệ Emmau và đồng hành cùng họ một thời gian dài trên con đường ngược chiều với hướng đúng (x. Lc 24,13-35).”[52]


3.
Đồng hành với giới trẻ trong đời sống cầu nguyện

 

Giới trẻ ngày nay phải đương đầu với nhiều thử thách, vì thế dễ sa ngã, vì vậy họ cần lời cầu nguyện của gia đình. Bậc cha mẹ phải cầu nguyện cho con cái, nhất là khi trong gia đình có những đứa con ngỗ nghịch. Lời cầu nguyện đầy nước mắt của các bà mẹ chắc chắn sẽ được Chúa nhậm lời. Lời cầu nguyện sẽ giúp cha mẹ đồng hành cách thiêng liêng bên con mình. Bậc cha mẹ không bao giờ nãn lòng khi thấy dường như Chúa không nghe mình. Chúa thương con mình hơn mình thương nó, vì vậy Chúa có cách của Chúa, lúc nào đó Ngài sẽ hoán cải nó.Thánh Augustin  là một ví dụ điển hình: nếu ngài không có một người mẹ đạo đức và siêng năng cầu nguyện cho ngài thì không chắc ngài đã trở lại. Thánh nữ Monica đã lặn lội tìm con, khóc lóc kêu van cho đứa con của mình là thánh Augustinô. Cuối cùng ngài đã thỏa lòng khi nhìn thấy con mình trở về với đạo công giáo sau một thời gian sống phóng túng và theo phái Manikes. Nhờ lời kêu van của thánh nữ Monica mà thánh nhân đã trở lại.

Lời cầu nguyện luôn mang lại niềm hy vọng. Đức Bênêđictô XVI nói: “Bối cảnh thiết yếu đầu tiên cho việc học hỏi hy vọng là cầu nguyện. Khi không còn ai lắng nghe tôi nữa, Chúa vẫn nghe tôi. Khi tôi không còn có thể tâm sự hay kêu cầu được với ai, tôi luôn luôn có thể thưa với Chúa. Khi không còn ai giúp tôi biết xử sự thế nào trước nhu cầu hay mong đợi vượt quá khả năng hy vọng của con người, Chúa có thể giúp tôi. Dù tôi bị đắm chìm ngập lụt trong cô liêu hoàn toàn...; nếu tôi cầu nguyện thì tôi không bao giờ hoàn toàn đơn côi. Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, một người tù trong 13 năm, trong đó có 9 năm bị biệt giam, đã để lại cho chúng ta cuốn sách nhỏ quý giá: Những Lời Cầu Nguyện của Niềm Hy Vọng. Trong vòng 13 năm tù đầy, trong một tình trạng hầu như là tuyệt vọng, sự kiện là ngài có thể lắng nghe và thân thưa với Chúa đã trở nên một quyền năng hy vọng gia tăng cho ngài, khiến ngài, sau khi ra khỏi tù, đã trở nên một chứng nhân hy vọng cho dân chúng trên toàn thế giới – chứng nhân của một niềm hy vọng lớn lao không tàn lụi ngay cả trong những đêm đen của cô liêu.”[53]

 

3.      Đồng hành với giới trẻ trong hy vọng

Bên cạnh việc cầu nguyện cho con cái trong hy vọng và phó thác, bậc cha mẹ cũng cần cho bạn trẻ biết là luôn sống trong hy vọng, luôn biết chỗi dậy khi vấp ngã. Không bao giờ là chấm hết, dù cuộc đời có thế nào đi nữa. Mở đầu tông huấn Christus Vivit Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ với các bạn trẻ:Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và là tuổi trẻ đẹp nhất của thế giới này. Tất cả những gì Người chạm đến đều trở nên tươi trẻ, mới mẻ, tràn đầy sức sống. Thế nên, lời đầu tiên cha muốn nói với mỗi Kitô hữu trẻ là: Chúa Kitô đang sống và Người muốn con cũng được sống!”[54]

Đức Bênêđictô XVI đưa ra gương của vị thánh trong thời đại chúng ta, ở một mức độ nào đó, có thể giúp hiểu được ý nghĩa của cuộc gặp gỡ thực sự lần đầu tiên với vị Thiên Chúa đó. Ngài nói: “Tôi nghĩ đến thánh nữ Josephine Bakhita người Phi Châu, đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh. Ngài sinh tại Darfur bên Sudan khoảng 1869 – chính ngài không biết ngày sinh chính xác của mình là ngày nào. Khi lên 9, ngài bị bắt cóc bởi những kẻ buôn bán nô lệ, bị đánh đập đổ máu, và bị bán đi bán lại đến 5 lần trong các chợ buôn nô lệ tại Sudan. Cuối cùng, ngài sống như nô lệ trong nhà thân mẫu và phu nhân của một vị tướng, và ở đó, hàng ngày ngài bị đánh đập toé máu; và hệ quả là ngài phải mang trong người 144 vết thẹo đến hết cuộc đời. Cuối cùng, năm 1882, một thương gia người Ý đã mua ngài cho viên lãnh sự Ý Callisto Legnani, người đã trở về Italia khi quân Mahdists nổi dậy. Ở đó, sau “những ông chủ” đáng sợ, những người đã làm chủ ngài cho đến lúc đó, Bakhita đã biết đến một “tôn chủ” hoàn toàn khác hẳn, một tôn chủ mà ngài đã dùng từ “Paron” trong phương ngữ Vênêtia, thứ tiếng ngài đang học, để nói về Thiên Chúa hằng sống, về Chúa Giêsu Kitô. Cho đến khi đó, ngài chỉ biết đến những ông chủ khinh miệt và đối xử tàn tệ với ngài, hay cùng lắm là coi ngài như một con nô lệ hữu dụng. Tuy nhiên, giờ đây, ngài nghe nói đến một “Paron” vượt lên mọi ông chủ, Chúa của các chúa, và vị Thiên Chúa đó thiện hảo, một sự thiện hảo tự trong bản tính. Ngài nhận ra rằng Thiên Chúa thậm chí còn biết đến ngài, và Người đã tạo ra ngài, và yêu thương ngài thật sự. Bakhita cũng đã được yêu thương, không phải bởi ai khác hơn là vị “Paron” tối cao này, Đấng mà trước mặt Người mọi thứ ông chủ khác, chính họ, không hơn gì những tôi tớ thấp hèn. Bakhita thấy mình được biết đến, được yêu thương, và được chờ đón. Hơn thế nữa, chính vị tôn chủ này cũng đã từng chấp nhận số phận bị đánh đòn và giờ đây Ngài đang chờ Bakhita ở “bên hữu Chúa Cha”. Giờ đây Bakhita có “hy vọng” – không phải cái hy vọng khiêm nhường là tìm được một ông chủ ít tàn nhẫn nhất nhưng là một niềm hy vọng lớn lao: “Tôi nhất định được yêu thương và dù điều gì xảy đến cho tôi – tôi vẫn đang được chờ đón bởi Tình Yêu này. Và vì thế đời tôi thật là đẹp”.[55]

Khi không còn gì hy vọng thì ta vẫn hy vọng. Vì sau cùng còn có Chúa. Khi cha mẹ thấy con em hư hỏng; khi dạy dỗ, con không nghe; khi thấy con cái nguội lạnh trong đời sống thiêng liêng,… họ không nên thất vọng, và dạy con cái không  bao giờ được thất vọng. Nếu Chúa không bao giờ thất vọng về  chúng ta, thì chúng ta cũng đừng bao giờ thất vọng về lòng thương xót của Ngài.

Đức Phanxicô khuyên: “Đừng để người ta cướp mất niềm hy vọng và niềm vui của con, đừng để họ làm cho con lệ thuộc vào ma tuý và sử dụng con như nô lệ phục vụ lợi ích của họ. Con hãy dám “là mình” hơn nữa, vì nhân vị của con thì quan trọng hơn bất cứ gì khác. Của cải hay ngoại hình chẳng ích gì cho con. Con có thể trở thành người mà Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo nên con, biết con là thế, nếu con nhận ra rằng con được mời gọi vươn lên. Con hãy cầu khẩn Chúa Thánh Thần và tin tưởng tiến về mục tiêu cao cả là nên thánh. Như thế, con sẽ không trở thành một bản sao. Con sẽ hoàn toàn là chính mình.”[56]

 

Kết luận

            Đã là người ai ai cũng có gia đình. Đó là nơi linh thiêng, vì đó là nơi họ sinh ra, nơi họ được nuôi dưỡng về vật chất cũng như tinh thần, nơi họ ra đi và cũng là nơi họ phải trở về để học hỏi những kinh nghiệm, để sống tương quan với cha mẹ và anh chị em của mình, để đáp trả công ơn cha mẹ, đồng thời để sống đức tin của mình. 

            Không ai từ dưới đất chui lên, hoặc từ trời rơi xuống: "Chim có tổ, con người có tổ tiên." Vì thế với tư cách là một thụ tạo có trí khôn, mỗi người phải ý thức mình có nguồn gốc, có ông bà, cha mẹ, có anh chị em. Không ý thức điều đó con người sẽ mất gốc, đánh mất căn tính của mình, và cũng từ đó đánh mất cả ý thức về Thiên Chúa, "là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất." (Ep3,15)

            Chúng ta được nuôi dưỡng và lớn lên trong gia đình. Con người sinh ra không thể tự nuôi sống mình, nó cần gia đình. Gia đình là nơi nuôi nó, giáo dục nó, nơi không chỉ cho nó ăn mà còn cho nó môi trường sống để phát triển về toàn diện. Gia đình là môi trường sống, là trường học, là xã hội đầu tiên, là nơi tiếp nhận và sống đức tin. Không có gia đình nó sẽ chết, không có gia đình nhân cách của nó sẽ phát triển què quặt, đức tin nó không được nuôi dưỡng.

            Lúc nào đó, con người phải bỏ tổ ấm để ra đi vì cuộc sống: học hành, làm việc, xây dựng gia đình..., nhờ đó xã hội mới phát triển và mỗi người cũng phong phú lên nhờ những tương quan hỗ trợ lẫn nhau, nhờ những chia sẻ với nhau về sự hiểu biết, cũng như về những kinh nghiệm sống... Thế nhưng con người ra đi mà không để mình bị tha hoá, bị lôi cuốn vào những điều xấu xa, những điều sai lạc. Muốn được vậy con người phải quay trở lại với gia đình, với những giá trị tốt lành, với đức tin của mình.

            Cũng như thánh Augustinô giới trẻ ngày nay có nguy cơ sa vào những cám dỗ của thế gian, của những chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa hưởng thụ,… để rồi đánh mất truyền thống của gia đình, đánh mất những giá trị tốt lành, và đôi lúc đánh mất đức tin mà mình thừa hưởng từ gia đình. 

            Vì vậy giới trẻ cần được giáo dục, cần ý thức cái gì là tốt, cái gì là xấu, cần ý thức về cội nguồn của mình, về những giá trị tốt lành từ gia đình, từ đức tin của mình để rồi làm gì thì làm, học gì thì học, đừng bao giờ quên cái nôi của mình, cái nôi của tình thương, cái nôi của đức tin. Từ đó họ cần thường xuyên trở về với gia đình, trở về với niềm tin tôn giáo của mình. Nếu không như thế họ sẽ trở thành những đứa con bất hiếu với cội nguồi, với ông bà cha mẹ, và nhất là với chính Thiên Chúa.

            Bên cạnh đó, giới trẻ cần được đồng hành bởi gia đình và Giáo Hội. Họ cần được giúp đỡ để ý thức hơn, để vượt qua những cám dỗ đang bao vây họ, để họ không bị mất gốc, không bị mất đức tin, không bị lạc hướng. Họ cần được giúp đỡ để luôn sống trong hy vọng. Ước mong các gia đình trở thành tổ ấm yêu thương, trở thành nơi củng cố đức tin cho giới trẻ ngày nay, nơi giới trẻ gặp lại niềm hy vọng. Cũng ước mong giới trẻ đừng bao giờ đánh mất cội nguồn của mình, mà cội người sau cùng là chính Thiên Chúa. Ngài la niềm vui,  niềm hy vọng, sự bình an, sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu.

 

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

-          Kinh Thánh, bản dich Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ

-          Friedrich Nietzche , Dg. Zarathustra đã nói như thế, NXB Văn Học,2014

-          Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, NXB Văn Học, 2015

-          Đức Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia - Niềm Vui của Tình Yêu.19.03.16

-          Đức Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium, 24.11.2013

-          Đức Phanxicô,  Tông Huấn Christus Vivit, 25.03.2019

-          Đức Phanxicô,  Tông Sắc Misericordiae Vultus , 11.04.2015

-          Bênêđictô XVI, Tông Huấn Porta Fidei, 11.10.2011

-          Bênêđictô XVI, Thông Điệp Spe Salvi, 30.11.2007

-          Walter Kasper, La Miséricorde: Notion fondamentale de L’Evangile, Clé de la vie chrétienne, Bản dịch tiếng việt NXB Tôn Giáo, 2016

-          Gioan Phao lô II, Thông Điệp Dives in Misericordia, 30.11.1980

 

Các Websites

-          http://catechesis.net/sieu-nhan-trong-tu-tuong-cua-nietzsche/

-          https://sjjs.edu.vn/phe-binh-ton-giao-cua-friedrich-nietzsche/#_ftn8https://sjjs.edu.vn/phe-binh-ton-giao-cua-friedrich-nietzsche/#_ftn8

-          https://nhandan.com.vn/

-          http://gpbanmethuot.com

-          https://tuoitre.vn

-          https://thethaovanhoa.vn

-          http://www.simonhoadalat.com

 

 



[1] Christus Vivit, số 84

[3]  F. Nietzsche. Dg. Zarathustra đã nói như thế, Trần Xuân Khiêm, tr 531

[4] Trần Thái Đỉnh. Triết Học Hiện Sinh, tr 132

[5]https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/bao-dong-nan-pha-thai-o-nguoi-tre-349344

 

[6] Evangelii Gaudium, số 64

[7] Bài Diễn Văn của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc gặp gỡ giới trẻ tại trung tâm văn hóa P. Felix Varela, Havana, Cu-ba ngày 20.09.2015

 

[8] AMORIS LAETITIA, NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU, số 5

 

[9] Porta Fidei, số 8

[10] Cn 15,33

[11] Hc 2,15

[12] Hc 18,13

[13] 1Sm1,11

[14] 1Sm2.26

[15] Kh3,20

[16]AMORIS LAETITIA, Niềm vui của tình yêu, số 318

[17] Christus Vivit, các số 51-62

[18] http://gpbanmethuot.com/giao-duc-kito-giao/nhung-cau-noi-cua-chan-phuoc-carlo-acutis-56738.html

[19] Bài giảng Thánh Lễ đầu tiên của Triều đại Giáo hoàng, 22.10.1978

[20] Kh 3,20

[21] Christus Vivit, số 17

[22] Mt 14,27

[23] Mt 13,4

[24] Hc 3,12-14

[25] Ep 6,1-3

[26] Thư gửi các gia đình công giao, ngày 20 tháng 11 năm 2016, Gia đình: Ơn Gọi Tình Yêu và Sứ Vụ Thương Xót,

[27] Christus Vivit, số 16

[28] Lc 2,51

[29] Rt 1,16-17

[30] https://tuoitre.vn/13-tuoi-dau-co-be-khong-cha-buon-chai-nuoi-me-va-ngoai-1357873.htm

[31] https://thethaovanhoa.vn/dien-dan-van-hoa/chu-va-nghia-song-truoc-do-dau-song-sau-do-day-n20191211065425241.htm

[32] https://vndoc.com/truyen-co-tich-song-ngu-danh-cho-tre-em-cai-bat-go-101251

[33] Tb 4,3-4

[34] Mt 7,12

[35] Mt 5,44

[36] 1Tm 4,12

[37] 1Tm 5,1-2

[38] Mt 5,37

[39] Đinh Đức Đạo, Linh Đạo Lòng Thương Xót, NXB Đồng Nai, tr.113

[40] THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, PHIÊN TOÀN THỂ THƯỜNG LỆ THỨ 15: NGƯỜI TRẺ, ĐỨC TIN VÀ PHÂN ĐỊNH ƠN GỌI,  số 37

[41] Sđd, số 38

[42] Christus Vivit, số 83

[43] Christus Vivit, số 66

[44] Misericordiae Vultus, số 6

[45] Misericordiae Vultus, số 22

[46] 1Cr 13,7

[47] Walter Kasper, La Miséricorde: Notion fondamentale de L’Evangile, Clé de la vie chrétienne, Bản dịch tiếng việt, trang 16

[48] Mt 18,21-22

[49] Sđd, số 17

[50] http://www.simonhoadalat.com/Suyniem/Saints/Thang7/Ngay6B.htm

[51] THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, PHIÊN TOÀN THỂ THƯỜNG LỆ THỨ 15: NGƯỜI TRẺ, ĐỨC TIN VÀ PHÂN ĐỊNH ƠN GỌI, Roma 27-10-2018, số 7

 

[52] Christus Vivit, số 292

[53] Spe Salvi, số 32

[54] Christus Vivit, số 1

[55] Đức Bênêđictô, Thông điệp SPE SALVI, số3

[56] Christus Vivit, số 107